Có một ngôi trường gắn bó với tuổi thơ tôi suốt
9 năm dài, mà mỗi khi nhắc tên , tôi lại thấy tràn ngập niềm thương nhớ
bâng khuâng… Hồng Bàng ơi !
Trường tôi kiến trúc theo lối Pháp, với 2 dãy
phòng đối xứng nhau qua 1 cái sân rộng thênh thang. Do lối kiến trúc Pháp, nên
mỗi dãy chỉ có 1 trệt 1 lầu, mái ngói đỏ rêu phong. Riêng dãy trong, còn có tầng
hầm, chứa bàn ghế long chân sứt ốc, gãy gọng, mà chúng tôi vẫn qua lại, nhìn
ngó rất sợ sệt vì chúng tối om om !!! Bao nhiêu là câu chuyện thêu dệt xoay
quanh những phòng hầm bí ẩn đó : nào là ma quỷ đầy trong đó, đứa nào làm biếng
học , sẽ bị nhốt xuống hầm chơi với ma (!). Cũng có nhiều căn phòng hầm được
dùng làm nơi trú ngụ cho vài thầy cô giáo độc thân, hoặc cho gia đình người lao
công cả đời sống và làm việc trong trường. Các phòng học có vòm cửa sổ cong
cong, mở toang cửa ra, chúng tôi có thể ngồi vắt vẻo trên thành , nhìn xuống
sân trường. Trường rộng thênh thang, chỉ có 2 dãy phòng với rất ít lớp học, nên
không gian thóang đãng vô cùng !
Đặc biệt, trường có nhiều cây sao, cây dầu cổ
thụ hàng chục hàng trăm năm, cứng cáp vút thẳng lên trời. Từ cửa sổ lớp học
nào, chúng tôi cũng có thể phóng tầm mắt ra sân, nhìn cây rì rào, nhìn lá vẫy
tay trong gió. Khi có gió lớn, những trái chò thi nhau xoay tít bay bay. Hàng
nghìn chiếc chong chóng tí hon xinh xắn đáp xuống sân trường nhẹ nhàng tạo nên
1 cảnh tượng tuyệt vời không thể thấy được ở bất cứ trường nào khác !! Những
trái chò còn đi vào bài văn tả sân trường của tôi, được cô Hiếu đọc cho cả lớp
nghe vào 1 buổi chiều xa xưa. Nhắc đến chiều, tôi lại nhớ đến những buổi chiều
trong sân trường. Do yên tĩnh , nên chiều xuống , sân trường mang màu xám hơi
âm u … Cây nhiều cũng tạo nên bức tranh “ Chiều “ đặc trưng của Hồng Bàng , mà
tông màu còn nhuốm màu rờn rợn (??) Lá cây xào xạc dưới sân hàng lớp, trời hơi
thẫm lại, sân trường không 1 bóng người.
Chả thế mà có 1 câu chuyện lan truyền trong
đám trẻ chúng tôi : bà Mười đang quét sân thì thấy 1 ông Linh Mục tay cầm Kinh
Thánh , nhìn bà , buồn rười rượi. Bà nói : “Ông đừng phá tôi, để tôi làm việc.”,
nhìn lên thì ông đã biến mất. Bà Mười là lao công già nhất lúc bấy giờ, bà hay
la học sinh choe chóe nhưng bà không phải là người hung dữ, chẳng qua , lũ học
trò bé xíu chúng tôi cũng nghịch ngợm quá đi thôi ! Bà Mười còn là người duy nhất
giật dây chuông vào giờ ra chơi.
Cái chuông này nhỏ bé nhưng tiếng vang vô
cùng ! Nó băng qua cái sân rộng thênh thang “leng keng, leng keng, leng keng …”
rộn rã đến mỗi lớp, đưa lũ học trò chân sáo nhảy ra khỏi lớp học gò bó, tung
tăng xuống sân cùng bao trò chơi … Cái chuông này xưa lắc xưa lơ , cổ điển chỉ
riêng trường HB là còn sử dụng mà thôi! Tiếng chuuông này sinh động, reo vui,
hơn hẳn tiếng chuông điện ảm đạm, chán ngắt ! Khi bà Mười bệnh, người khác giựt
dây chuông là chúng tôi biết liền ! Vì không biết cách giật dây, tiếng “ leng
keng” nghe ngập ngừng, nhỏ xíu, rời rạc, như một cô gái e thẹn, ậm ừ trong miệng
mà không nói nổi một câu !
Thỉnh thỏang chúng tôi nổi cơn nghịch ngợm,
vói lên giật thử dây chuông. Chuông kêu eo éo rồi tắt hẳn, còn chúng tôi thì co
giò bỏ chạy, trước cơn thịnh nộ của bà Mười - ăn trầu. Bà là người độc quyền giật
dây chuông cho học trò ra chơi và vào học. Bà gắn liền với HBàng như máu và
tim. Nhắc đến HB, không ai quên được bà Mười và cái chuông cổ độc nhất vô nhị !
Chính giữa sân trường còn có nhà VS độc đáo,
hình chữ thập. Trước khi xây trường HB, nơi đây là 1 Bệnh viện của Pháp. Điều
này giải thích cho kiến trúc chữ thập của của nhà VS. Không ai không 1 lần đặt
chân vào đấy ! Lúc nào nó cũng ẩm ướt , đọng nước , và dù được dì Ti xịt nước ,
tẩy rửa cần mẫn sau mỗi lần ra chơi, nó vẫn không thóat khỏi “ mùi hương “
amoniac rất đặc trưng , vẫn vấn vương, lãng đãng trong không khí. Cạnh nhà VS
là cây phượng già nua to lớn - duy nhất trong trường. Nó cao, nhiều cành nhiều
nhánh, lá lúc nào cũng xanh um, đầy sức sống. Chưa đến mùa hè, chỉ mới chớm
thôi là cây đã lác đác nụ be bé. Từng chùm từng chùm sinh sôi mãnh liệt ! Và
khi những đốm lửa hoa đỏ rực trong sân, chúng tôi đều háo hức xúm xít bên cây.
Hoa phượng xòe rộng như cánh bướm, đỏ nao lòng, có hoa còn lấm chấm những đốm đỏ
lạ lẫm. Mấy đứa con trai trèo lên nóc nhà VS, lựa những chùm hoa đẹp nhất, thắm
nhất , tươi nhất, cho các bạn gái làm bướm. Hai cánh gắn vào 1 thân. Thêm 2 nhụy
làm râu. Thế là 1 con bướm phượng ra đời! Ép bướm hoa vào tập, lòng bỗng rung
rinh… Mùa hè đang tới, hoa phượng còn báo hiệu sự chia tay sắp tới ! Lưu bút
chuyền tay nhau, ba tháng hè dài ơi là dài !
Thầy cô của HB dạy rất giỏi và rất nghiêm khắc.
Thầy Bảng bắt chúng tôi đọc cửu chương từ 2 đến 9, đọc xuôi rồi đọc ngược làu
làu như cháo chảy ( mà lúc đó chúng tôi mới học lớp Ba ) rồi mới cho ngồi xuống.
Thầy có 1 cây thước bảng dầy và dài, đánh vô tay học trò nghe “ chát “ rất đanh
thép. Nhờ vậy , lớp tôi học giỏi nhất năm đó. Đứa nào cũng sợ cây thước bảng “
hỏi thăm” bàn tay bé bỏng của mình, nên chăm chỉ học hành. Cô Huệ còn khó hơn !
Cô hay nhéo hông, hoặc nhéo tai lũ học trò làm biếng, ai cũng sợ xanh mặt !
Không nên quên các thầy người Pháp : thầy Gérard da đen, thầy Philips, thầy Tâm
tóc muối tiêu người Pháp gốc Việt … Các thầy cưng học trò VN bé xíu, nhỏ như
búp bê. Những giờ học tiếng Pháp vui vẻ với hoạt cảnh kịch ngắn (bằng tiếng
Pháp - dĩ nhiên !) , các bài hát dân ca dễ thương, dễ nhớ, về khu vườn của ba em
(Dans le jardin mon père), về con chim sống ở rừng luôn miệng “cúc cu, hibou ,
cúc cu , hibou…” làm chúng tôi thích thú. Cô Nhuần, thầy Thảo hiền ơi là hiền,
giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng mà nói gì tụi tôi cũng vâng lời răm rắp. Cô Hiệu
Trưởng thì dáng dấp sang trọng đài các, dịu dàng. Mỗi cuối tháng cô hay đi phát
phần thưởng và giấy khen cho 5 học sinh đầu lớp. Cô có vẻ uy nghi rõ rệt, dù
lúc nào cũng điềm tĩnh, ung dung.
Học trò HB, dù trai hay gái cũng xưng hô “Bồ
và Tui” với nhau. Kiểu này cũng là đặc trưng riêng cho học sinh HB. “Bồ, Tui”
không quá suồng sã , cũng vừa đủ thân mật, gần gũi nhau, mà không nghe chút gì
xa cách. Do ít lớp, ít học sinh nên chúng tôi biết mặt nhau tất cả. Khi ra đường,
gặp “dân HB” là chào nhau dù có thể không biết tên nhau.
Tuổi học sinh của chúng tôi còn gắn liền với
“sân trước” của trường HB . Đó là khỏang sân mặt tiền của trường, nhìn ra đường
HB, có cửa trước chỉ dành cho thầy cô và phụ huynh ra vào. Tuy gọi là “sân”
nhưng đó là 1 khu vườn tuyệt đẹp, tuyệt thơ mộng! Vẫn là nhiều hàng cây xoài,
cây chò cổ kính cao vời vợi ngút mắt, nhưng dưới thấp còn những hàng rào cây kiểng
ngang bụng chúng tôi, mà người lao công đã dầy công tỉa xén đều đặn.
Hàng rào cây lá xanh um này làm tươi mát sân
trước bao quanh các thân cây xù xì thành những hình chữ nhật vuông vức. Đặc biệt
lũ con gái chúng tôi vào giờ chơi hay rủ nhau tha thẩn ở sân trước. Nấm dại mọc
nhiều. Có nấm màu đỏ chấm trắng, có nấm màu nâu, nấm màu trắng, lâu lâu còn có
cả nấm mèo. Nhưng lũ nấm dại là thường xuyên thu hút chúng tôi hơn cả! Chúng
xinh xắn như những cây dù màu, e thẹn nép dưới gốc cây hay đám cỏ ẩm ướt, chúng
nổi bật trên nền lá mục rêu phong, xếp lớp dưới chân. Chúng tôi thi nhau phát
hiện, nâng niu vẻ đẹp , màu đẹp của chúng trên tay. Có nấm dày dặn, cầm chắc nịch
như nấm đông cô nhưng màu tươi rói , đích thị là nấm độc. Thỉnh thỏang cóc ếch
còn nhảy “tách” dưới chân nhỏ bé của chúng tôi. Còn kiến, kỳ nhông, tắc kè, bọ
hung … thì nhiều khỏi nói. Sân trước đúng là “vườn thượng uyển” của chúng tôi -
nơi có đầy cỏ dại lẫn cây xanh và nấm. Bầu trời thì xanh biêng biếc, lũ chim
bay về lích chích hay véo von gọi nhau. Trong vườn có duy nhất 1 cây xoài rừng
cao ngút mắt. Trái vàng ươm, chỉ nhìn và thèm thuồng mà không bao giờ hái được.
Chỉ có lũ chim có cánh là gọi nhau í ới mỗi khi vào mùa xoài mà thôi .
Tôi còn nhớ một điều đặc biệt nữa ở trường mình : đó là vào giờ ra chơi, học sinh được xếp hàng để ...uống sữa. Sữa tươi Foremos đàng hoàng chính hiệu ! Ai cũng đem theo một cái bình đựng nước để chứa ...sữa, vì không thể đứng một chỗ mà uống từ từ cho hết ly sữa được phát , tốt nhứt là đổ hết chỗ sữa phần mình vào bình và cứ từ từ mà thưởng thức !
Khi chúng tôi học lớp 5 thì Sài gòn giải phóng. Chương trình học cũng thay đổi, chúng tôi chỉ còn được học tiếng Pháp như một môn ngoại ngữ mà thôi. Nhiều bạn khác ở các trường khác chuyển về ...nhờ vậy mà thêm nhiều bạn, lớp học đông hơn, vui hơn. Nề nếp của trường vẫn không thay đổi, học sinh vẫn ngoan ngoãn, quy củ, kính trọng Thầy Cô, thân ái với bạn bè ... Các Thầy cô vẫn dạy hết lòng hết sức, thương yêu học trò ... dù tôi nhớ rằng, thời ấy cuộc sống khó khăn lắm, tụi tôi thì vô tư như .....con nít (!) có biết đâu Cha Mẹ, cũng như nhiều Thầy Cô mình, hằng ngày phải đau đầu với vấn đề "cơm áo gạo tiền " muôn thuở !
Tụi tôi còn được tham gia "lao động
" Đứa thì làm vệ sinh sân trường, đứa "hên" hơn thì được đứng
bán trong căng tin, thường là các bạn gái hay được phân công bán hàng. Ra chơi,
bán không hở tay, sau giờ chơi, thu gom tiền bạc nộp cho cô giáo trực, xong giờ
"lao động", có quyền ra về.
Năm tôi học lớp 9 thì xuất hiện một dãy phòng học cao 3 tầng kế bên tòa nhà hầm cuối sân . Vì học sinh quá đông, phải xây thêm phòng học thôi ! Điều này không sai, nhưng tòa nhà này, dù cao to, tiện lợi, đã phá vỡ cảnh quan thơ mộng, cổ kính của trường, nằm lạc lõng ... như người anh em ... khác cha khác mẹ ... với hai dãy phòng có ngói đỏ rêu phong, có vòm cửa sổ cong cong kiểu Pháp ! Sau khi chúng tôi học hết lớp 9, sang trường cấp 3 khác, thì trường đã có một cuộc " đại trùng tu " , xây thêm nhiều dãy phòng học để thu nhận số lượng học sinh khổng lồ !
Thỉnh thoảng, chúng tôi có về thăm lại trường, dù tình cảm luôn dạt dào, dù tim vẫn "yêu" Hồng Bàng tha thiết ... vẫn không khỏi ngậm ngùi nhìn một sân trường lạ hoắc, nhiều phòng học, dãy lầu, nhưng vô hồn, lạnh lẽo ! Ôi ! Hồng Bàng thơ mộng xưa đâu rồi ? Những hàng cây cao vút, nhiều lá, nhiều bóng râm, "nhuộm tím" cả trời chiều đâu rồi ? Học sinh đông đúc, làm nhộn nhịp sân trường ... nhưng không phải là hình bóng của chúng tôi xưa kia ....! Thầy cô mới, trẻ trung, xinh đẹp, càng làm tôi nhớ da diết các Thầy Cô của mình, nghiêm khắc mà hiền lành, như là Cha, là Mẹ ... dù cuộc sống vô vàn khó khăn, vẫn yêu nghề yêu trẻ, vẫn giữ tư cách trên bục giảng mỗi ngày !
Hồng Bàng ơi, nói sao cho hết tình yêu của chúng tôi ? Tuổi thơ của mình đã may mắn được Hồng Bàng dang tay ôm ấp, dạy dỗ, nâng niu, để khi lớn lên, chúng tôi bay xa vào cuộc đời với trái tim tốt đẹp. Hồng Bàng ơi ! Mỗi khi nhớ về Người, tim tôi luôn tràn ngập một cảm xúc nhẹ nhàng, một niềm vui mênh mang ... khó tả ... Giữa bầu trời trong xanh, trong gió, trong nắng ... tôi như hãy còn nghe vang vang tiếng chuông "leng keng, leng keng ..." thời thơ ấu tuyệt vời !
NTPK - 10/3/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét